Ngày 24/10, Hội nghị về quản lý hợp đồng sau đấu thầu ở Việt Nam và những kinh nghiệm quốc tế đã diễn ra tại Vĩnh Phúc. Hội nghị do Vụ quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch đầu tư chủ trì với sự tài trợ của Nhóm các nhà tài trợ đồng quan điểm (LMDG). Đông đảo đại diện các Bộ, ban, ngành ở trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có liên quan, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia đến từ các nước như Hoa Kỳ, Singapore tham dự.Các ý kiến tập trung phân tích thực trạng những khiếm khuyết, bất cập của việc tổ chức đấu thầu, xây dựng hợp đồng và quản lý hợp đồng sau đấu thầu ở nước ta để từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao có hiệu quả sau đấu thầu. Bản hợp đồng thực chất là văn bản có giá trị ràng buộc các bên liên quan để giữ đúng chất lượng, vốn đầu tư. Việc quản lý hợp đồng sau đấu thầu cũng là việc quan trọng, phải được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, những năm qua, Việt Nam chưa coi trọng đúng mức vấn đề này. Các hoạt động đấu thầu, xây dựng hợp đồng còn nhiều bất cập, bị ràng buộc bởi quá nhiều văn bản mà các văn bản ấy nhiều khi lại trái nhau nên vừa khó thực hiện nhưng lại dễ dẫn đến lỏng lẻo trong quản lý. Công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến thất thoát vốn đầu tư, chất lượng công trình không đảm bảo, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí lớn. Việc xây dựng hợp đồng cũng không thống nhất, các văn bản về vấn đề này chưa thật chặt chẽ, đồng bộ, do vậy, việc quản lý hợp đồng sau đấu thầu cũng kém hiệu quả, giải quyết các vị phạm, rủi ro, tranh chấp gặp khó khăn…
Các đại biểu cho rằng: Chủ đầu tư cần lập Báo cáo nghiên cứu đầu tư thật sát với thực tế. Trên cơ sở đó đánh giá đúng quy mô, số tiền vốn, giải pháp kỹ thuật để chọn đúng nhà thầu. Các chủ đầu tư cần đủ khả năng đánh giá năng lực thực của các nhà thầu, cần chuyên nghiệp hoá việc tổ chức đấu thầu; chọn nhà thầu có năng lực thực sự về tài chính, lực lượng kỹ thuật và bỏ thầu sát giá chứ không chỉ nhằm vào nhà thầu bỏ giá thấp nhất. Việc xây dựng hợp đồng cần chi tiết, đồng bộ, đúng quy trình, tiêu chí để làm cơ sở giải quyết các tranh chấp, rủi ro, những vấn đề phát sinh. Cần đánh giá hết những biến động có thể xảy ra để giảm đến mức thấp nhất những điều chỉnh sau đấu thầu. Công tác quản lý hợp đồng cần được chuyên nghiệp hoá, coi trọng đúng mức và thực hiện nghiêm túc. Các ý kiến nhấn mạnh cần chuyên nghiệp hoá , quy chuẩn hoá việc xây dựng hợp đồng; áp dụng thống nhất các mẫu hợp đồng của Tổ chức tư vấn quốc tế (FIDIC) đã ban hành./.